Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Lúa cấy máy giúp tăng lợi nhuận 3.586.000đ/1ha so với gieo Xạ
Lượt xem: 279
Thực hiện Đề án số 05/ĐA-UBND, ngày 26-10-2017 của UBND huyện về “Khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp huyện Vụ Bản giai đoạn 2017-2020” gắn với bảo vệ môi trường, những năm qua, ngành nông nghiệp huyện và các địa phương đã tích cực tham gia Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng các vùng sản xuất tập trung theo mô hình “Cánh đồng lớn” nhằm đưa cơ giới hóa vào quá trình sản xuất từ khâu gieo trồng đến thu hoạch. Trong đó, nhiều địa phương đã áp dụng máy cấy vào sản xuất, bước đầu cho kết quả tích cực.
anh tin bai

 

anh tin bai

Đồng chí Đỗ Xuân Tú – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cùng Lãnh đạo Hội Nông dân huyện đến tham quan, động viên hội viên nông dân Trần Thị Luyến sử dụng máy cấy vào sản xuất Vụ Xuân năm 2022.

 

Xác định tích tụ ruộng đất là giải pháp tất yếu để thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất bền vững nâng cao giá trị thu nhập và tạo việc làm cho nông dân, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Vụ Bản đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động lãnh đạo các xã, thị trấn thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tích tụ ruộng đất để hình thành những cánh đồng lớn cùng giống, cùng trà, ứng dụng cơ giới hóa các khâu gieo trồng, thu hoạch nhằm đảm bảo thời vụ, giảm lao động nặng nhọc, giảm chi phí đầu vào. Trong đó, Hội Nông dân huyện đã có nhiều hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ hội viên khai thác tiềm năng về đất đai, lao động, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình. Nhiều hội viên nông dân đã mạnh dạn đi đầu trong việc tích tụ ruộng đất, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Điển hình như anh Nguyễn Văn Hưng ở thôn Trung Cấp, xã Tam Thanh cấy lúa trên vùng ruộng tập trung của địa phương với quy mô 27 mẫu, hay Tổ hợp tác “Sản xuất lúa sạch” xã Liên Bảo của chị Trần Thị Luyến ở xóm 3, thôn Định Trạch với quy mô gần 60 mẫu. Tổ hợp tác “Sản xuất lúa sạch” xã Liên Bảo đã mạnh dạn áp dụng máy cấy lúa trên toàn bộ diện tích để thay thế cho việc gieo sạ ở Vụ Xuân năm 2022 này.

anh tin bai

anh tin bai

 Sử dụng lúa cấy máy sẽ loại bỏ được lúa cỏ, lúa dại hiện đang lây lan nhiều trên các diện tích lúa gieo sạ.

 

Những vụ trước đây, thực hiện chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa, gia đình chị Trần Thị Luyến đã mạnh dạn thuê mượn ruộng của nhiều hộ dân trong thôn để hình thành cánh đồng sản xuất tập trung rộng gần 60 mẫu. Để canh tác trên diện tích này, gia đình chị đã mua máy làm đất, máy gặt và máy sấy lúa để chủ động từ khâu gieo cấy đến bảo quản sau thu hoạch. Được gieo cấy cùng giống, cùng thời vụ và phơi sấy đảm bảo yêu cầu kỹ thuật nên lúa của gia đình chị có chất lượng đồng đều, được các công ty thu mua với giá cao hơn thị trường. Tuy nhiên, do mượn ruộng của nhiều hộ dân và chưa có điều kiện cải tạo mặt bằng nên những vụ sản xuất trước đây, gia đình chị Luyến rất vất vả trong quá trình điều tiết nước, diệt cỏ và ốc bươu vàng, nhất là giai đoạn đầu vụ. Nhiều diện tích ruộng bị ngập úng hoặc khô hạn, lúa sạ lên không đều nên phải mất nhiều công để dặm tỉa.

Sau khi học hỏi ở một số địa phương, trong vụ Xuân năm 2022 này, Ban nông nghiệp xã Liên Bảo đã xây dựng mô hình áp dụng máy cấy trong sản xuất lúa và được gia đình chị Trần Thị Luyến ở Xóm 3 Định Trạch triển khai trên diện ruộng tập trung của gia đình. Chị Luyến đã mua 2 máy cấy loại 6 hàng lúa và tiến hành gieo mạ nền để cấy cho diện tích hơn 50 mẫu của gia đình. Trong những ngày qua, chỉ với khoảng 5 lao động vận chuyển mạ và điều khiển máy cấy, gia đình chị đã cấy được hơn 40 mẫu ruộng.

Mô hình sản xuất tập trung ruộng đất quy mô lớn của chị Trần Thị Luyến cho thấy sự chuyển biến tích cực trong tư duy của người nông dân về tích tụ ruộng đất. Đây là hướng đi tất yếu của sản xuất nông nghiệp hiện nay. Ruộng đất được tích tụ là điều kiện thuận lợi để đưa cơ giới vào quá trình sản xuất, là cơ sở để giảm chi phí đầu tư và tăng năng suất, chất lượng, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích đất canh tác.

anh tin bai

 

anh tin bai

Xã Trung Thành triển khai cấy máy trên diện tích 11ha

 

Với mục đích đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, xã Trung Thành tích cực tuyên truyền nông dân áp dụng máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là máy cấy. Do vậy, chủ trương đẩy mạnh cơ giới hóa khâu gieo cấy, giảm dần diện tích gieo sạ được xã Trung Thành từng bước áp dụng. Để thực hiện mô hình này, HTXDVNN xã Trung Thành đã tuyên truyền vận động 99 hộ nông dân thôn Tư đăng ký tham gia, với tổng diện tích 11ha; đồng thời tìm hiểu và lựa chọn cơ sở làm dịch vụ trọn gói từ gieo mạ, cấy đảm bảo chất lượng và giá thành có lợi nhất cho hộ nông dân.

Theo đánh giá của HTXDVNN xã Trung Thành, phương thức gieo sạ là dễ bị ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết không thuận lợi như rét đậm, rét hại trong vụ xuân, mưa úng trong vụ mùa. Đặc biệt, gieo sạ phải sử dụng ít nhất 1 lần thuốc trừ cỏ, 1 lần thuốc trừ ốc, còn trong điều kiện thời tiết bất thường, gặp mưa lớn sau khi xử lý thuốc hay trường hợp phải gieo lại thì số lần phun thuốc cũng phải tăng lên. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái. Cùng với đó, hiện nay lúa cỏ, lúa dại đang có nguy cơ lây lan ra diện rộng trong toàn huyện, tập trung nhiều trên các diện tích gieo sạ. 

anh tin bai

 

anh tin bai

Mô hình sử dụng máy cấy Văn Lang tại HTX SXKD DVNN Minh Tiến, xã Minh Thuận ở Vụ Mùa 2021

 

Vụ mùa năm 2021, xã Minh Thuận đã triển khai mô hình sử dụng máy cấy Văn Lang tại HTX SXKD DVNN Minh Tiến với quy mô 1ha bằng giống lúa BC15. Qua theo dõi mô hình sử dụng máy cấy Văn Lang với mô hình đối chứng cùng giống lúa sử dụng biện pháp gieo sạ bằng tay, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đánh giá: Mô hình áp dụng máy cấy Văn Lang được sử dụng mạ nền theo kỹ thuật gieo mạ khay; việc áp dụng kỹ thuật làm mạ nền và sử dụng máy cấy Văn Lang cho giống lúa BC15 đã giúp tiết kiệm được công lao động (chủ yếu ở khâu làm mạ, nhô mạ và cây) so với kỹ thuật gieo cây truyền thống, tiết kiệm công dặm tỉa so với kỹ thuật gieo sạ của bà con từ đó giúp giảm chi phí đầu vào cho sản xuất. So với gieo sạ thì việc gieo cấy bằng máy hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ ốc bươu vàng, mật độ gieo cấy thưa, cây lúa quang hợp tốt, ruộng lúa thông thoáng hạn chế sâu bệnh phá hoại như khô vằn, rầy... nên giảm sử dụng chi phí thuốc trừ sâu góp phần bảo vệ môi trường. Làm giống cần cấy để dễ khử lẫn (loại bỏ các giống khác). Sử dụng máy cấy so với sạ sẽ có thời gian ruộng chờ mạ từ 12- 20 ngày, thời gian này để vệ sinh đồng ruộng, hoặc cho đất có thêm thời gian phân hủy dư thừa thực vật trên ruộng. Khi sử dụng máy cấy, ruộng lúc nào cũng phải giữ nước nên tiết kiệm lượng nước đáng kể. Nhờ máy cấy thưa nên cây lúa sinh trưởng khỏe, ruộng lúa thông thoáng, giảm sâu bệnh, từ đó giảm phân bón, thuốc BVTV so với ruộng lúa sạ. Trung bình lợi nhuận của mô hình lúa cấy máy cao hơn so với gieo sạ là 3.586.000đ/1ha.

Bên cạnh kết quả đạt được, thực tế, hiện nay việc đưa máy cấy vào đồng ruộng đang gặp phải những hạn chế nhất định dẫn đến khó có thể mở rộng nhanh được diện tích. Do đặc thù đồng đất không thuận lợi cho việc cấy máy. Về phía người dân có tư tưởng chuyển sang gieo thẳng chi phí thấp hơn. Đối với những vùng chưa tích tụ được ruộng đất, diện tích sản xuất của các hộ còn manh mún nhỏ lẻ, không sử dụng hết công suất máy nên hiệu quả đầu tư chưa cao. Hầu hết các địa phương trong huyện chưa hình thành việc cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu trong sản xuất lúa từ khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch đến chế biến lúa.

Nhằm tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện, các xã, thị trấn tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên nông dân nhân rộng mô hình sử dụng máy cấy trong sản xuất nông nghiệp. Chuyển đổi dần phương thức canh tác từ gieo sạ chuyển sang cấy máy với mục đích đế giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động đạt hiệu quả kinh tế và quan trọng nhất là giảm lượng thuốc Bảo vệ thực vật góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng và sức khỏe của người dân. Cùng với đó là khuyến khích các doanh nghiệp, các hộ nông dân mạnh dạn tích tụ ruộng đất bằng các hình thức hợp pháp để đầu tư sản xuất, kinh doanh đảm bảo quy mô, ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại. Tham gia xây dựng vùng sản xuất tập trung theo quy mô "Cánh đồng lớn", đưa máy cấy vào sản xuất thay thế gieo sạ đã tiết kiệm chi phí sản xuất do giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó giảm thiểu ô nhiễm đất, nguồn nước mặt, góp phần đảm bảo tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu./.

Cơ quan chủ quản: UBND XÃ LIÊN BẢO
Địa chỉ : UBND Xã Liên Bảo - huyện Vụ Bản - tỉnh Nam Định
Email: xalienbao.vbn@namdinh.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang